Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Những Bài Thơ Tình Trên Văn Nghệ Hàm Luông


SỐ 56 – THÁNG 3.2017

Văn Nghệ Hàm Luông, số 56.2017 đăng  một số bài thơ tình.

Trong Trang Thơ Mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ có “ Xuân thì thiếu nữ” của Tạ Vũ Thái Thy, “Đừng...trách...em” của Thúy Văn, “Còn chút gì trong em?” của Kim Chi, “Cỏ” của Đoàn Thị Diễm Thuyên.

Thực ra bài thơ “Xuân thì thiếu nữ” chưa phải là bài thơ tình mà là bài thơ tình xuân; cái "Ngẩn ngơ bướm. Ngẩn ngơ hoa” kia đích thị là tình xuân với xuân thì thiếu nữ. Chính vì thế mà hình như có một thoáng lo đã biến thành nỗi sợ cái “cơn bấc muộn”. Nỗi sợ thật khó hiểu bởi vì “muộn” là trễ hay là già. Dẫu thế nào thì xuân thì vẫn cứ “Xuân thì thiếu nữ”

Bài thơ “Đừng...trách...em...” lộ ra nỗi lòng của nhân vật nữ trữ tình khi chúng ta chỉ cần kết câu đâu với câu cuối:

Đừng yêu bằng nửa trái tim

.....

Thôi đừng trách nữa...người về...về đi.

Vẫn yêu nhưng thật sáng suốt và dứt khoát. Những cái ngắt quãng và cái kéo dài của dòng thơ cuối hình như vẫn cứ lướng vướng một nỗi lòng.

“Còn chút gì trong em?” của Kim Chi là bài thơ bắt đầu bằng một câu hỏi, và cấu trúc bài thơ là cấu trúc đối đáp nhưng chỉ của một người, vì thế bài thơ như là lời độc thoại đầy khắc khoải, “muốn san lấp”, “muốn bôi xóa”... nhưng không được và có lẽ cả không nỡ san lấp và bôi xóa, nên cuối cùng là “Gói ghém yêu đương chôn vào ký ức” nhưng không quên, chỉ là kiềm nén. Tất cả đã trở thành chiế cầu bắc qua ngang qua tình yêu đến với thơ:

Còn một chút gì để em viết bài thơ
Ngọn lửa từng đêm le lói canh dài

“Cỏ...” của Đoàn Thị Diễm Thuyên là bài thơ ví von bản thân nhân vật trữ tình với cỏ, vì thế cái thoải mái, dịu dàng, tươi tắn của cỏ đã đi vào bài thơ bằng những cách nói rất tự nhiên : “cỏ cũng biết cần”, “cỏ cũng biết đau”, “cỏ cũng sướng cười”, “cỏ muốn biếng lười”:

Đôi khi có cũng biết cần
Người thương, chăm bẳm đôi lần cũng vui

Thật quá đôi khi thơ cũng ít đi. Thật mà vẫn thơ là con đường đi còn dài.

Thơ tình, trong số này, cũng được dàn trang vào giữa tập với các nhà thơ quen thuộc như Phong Tâm, Hàn Vĩnh Nguyên, Lê Hoàng Dũng, Mai Lâm Sanh, Đình Thu, Quốc Thái.

“Nhớ biển” của Mai Lâm Sanh có lẽ không nên xếp vào thơ tình. Dù vậy cái tình của đồng bằng dừa dành cho biển Vũng Tàu cũng nên ghi nhận với lời hẹn hò, tự hẹn với lòng, ở cuối bài thơ.

“Em về” là bài thơ của Lê Hoàng Dũng. Tên bài thơ chỉ xuất hiện trong một dòng “Em về lạc mất vầng trăng”, còn phần lớn, và cả khổ kết, là “Tôi về”. Tôi là nhân vật trữ tình nam về lại quê hương thấy quê hương xa lạ, định hỏi đường “tìm lại người thương” nhưng không biết nghĩ thế nào mà... “lại thôi”. Một bài thơ tình mà tình thì chưa đậm hay là quá đậm trong quá khứ nên bây giờ không muốn làm khổ nhau?!

Bài “Trời mưa cho ướt...” của Quốc Thái được viết trên cảm hứng từ một nửa câu ca dao: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng.”  Không hiểu sao mà tình yêu ở đây dài lâu: thương từ lúc em còn được bồng trên tay, đến thời con gái, lúc núp mưa trong nhà chòi...Có lẽ vì thế mà tiếng khóc bật ra:

Chim quyên ngày đó... đi rồi

Cái nửa kia của câu ca dao: “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi” vẫn mãi mãi là một mong ước không thành, và vì thế có khi buồn quá mà trách nhưng nhẹ nhàng:

Chim quyên bỏ bạn, quên thề
Nhãn lồng đơm trái, chiều quê đẫm buồn...

Bài “Mùi thiếu vắng” của Đình Thu là bài thơ có hơi hướm mới trong cách viết. Bài thơ viết về sự tan vỡ từ một “sự va đập rất tình cờ”, và hai người “đi về hướng không nhau”. Nếu phải diễn tả theo kiểu văn xuôi thường ngày ở huyện thì là đường ai nấy đi.

Ngay dòng thơ đầu thì chúng ta chưa biết là “va đập” nghĩa là gì đến nỗi dẫn đến tan vỡ. Nhưng sau đó cái “mùi thiếu vắng” xuất hiện như một cách trêu ngươi của một tình yêu không quên được, và vì thế nhân vật trữ tình nam trong bài thơ cứ tự phủ dụ, tự thuyết phục là đó là chuyện bình thường, chuyện vẫn xảy ra hằng ngày trong cuộc đời. Lòng dặn lòng như vậy, hãy cứ coi như là thời chưa găp nhau. Thế nhưng cái kết bài thơ:

Gỉa sử vô tình va đập
Nghe mùi xưa lại nhớ nhau
Đúng là cái “mùi thiếu vắng”!

Phong Tâm là nhà thơ chuyên thơ lục bát, hay nói đúng hơn, anh làm thơ lục bát có những câu thật tài hoa. Cái nho nhã của lục bát, cái mượt mà của lục bát, cái ngắc ngứ trong chấm phá mà xao xuyến và sâu sắc của lục bát…trong thơ lục bát của anh Phong Tâm khiến người đọc nhớ. Và ở đây là bài “Giấu quên” của anh. Giấu quên là để nhớ hay để quên. Đọc đến cuối bài thơ thì tôi nghĩ là để nhớ.

Một đêm thao thức nhớ đẫm trong màu và tiếng của thiên nhiên, và em xuất hiện, dĩ nhiên, trong nỗi nhớ đã đến lúc cháy thành mộng vàng, thế nhưng, giọng vẫn cố làm ra vẻ:

Xa rồi giọng nói người dưng
Mốt mai nhớ cũng ngập ngừng vậy thôi

“Mốt mai” là như thế, là tưởng như thế, và cố sẽ là như thế. Thế nhưng, bất ngờ “nay” thì:

Nay còn nửa cánh môi cong
Đem phơi từ độ hai lòng chia đôi
Để dành một đốm nhỏ rơi
Treo bên dấu nặng trong đời chưa quên

“Nửa cánh môi” khô héo vì bị “đem phơi từ độ hai lòng chia đôi” nghĩa là nửa cánh môi ấy không hôn ai khác nữa, cứ chờ nửa cánh môi xưa mà không thấy. Trái tim một nửa, vầng trăng một nửa, vành môi một nửa, cánh môi một nửa.

Cứ đọc đi đọc lại khổ thơ cuối, tôi thấy hiện lên chữ Tâm trong hình dáng chữ Hán-Việt, gắn với một nỗi nhớ đã được ghi tạc vào thiên nhiên ở khổ đầu bài thơ, với vầng trăng.

Tôi dành phần còn lại của bài biết cho bài thơ tứ tuyệt “Đón Xuân” của Hàn Vĩnh Nguyên. Hàn Vĩnh Nguyên là nhà văn, viết truyện ngắn và ký, nên thơ là cuộc ghé chơi đầy ngẫu hứng nhưng thật đậm tâm trạng:

Ngổn ngang thế sự giờ gom lại
Làm cỗ mừng Xuân đón bạn chơi
Dăm ly, xin hỏi đâu trời đất
Ta mượn làm chăn, ngủ chút thôi!

Cái cỗ thế sự ngổn ngang mừng Xuân và đón bạn thì thật là rôm rả. Đó là một nỗi lòng. Vì cái ngổn ngang nỗi lòng thế sự kia nên chỉ “dăm ly” đã say chứ không phải vì tửu lượng thấp. Nhưng nếu tửu lượng có thấp cũng không sao bởi vì ta đâu phải say vì rượu mà vì thế sự, và phần lớn hơn là vì có bạn

Bài thơ tình đã hiện ra như thế. Chất tình hiện ra trong rượu đón Xuân.

Say thì ngủ, chuyện bình thường, miễn là đừng quậy. Nhưng say đến độ mươn trời đất làm chăn đắp ngủ thì đúng là cách nói của người say chuyện thế sự. một nỗi niềm. Lại nữa, cái cách nói “ngủ chút thôi !” thật là của người say. Không rõ vì chỉ mới “dăm ly” nên ngủ ít “chút thôi” hay là chỉ ngủ thôi với trời đất làm chăn chứ không làm gì khác, ví dụ dắtt trời đất đi dạo phố chẳng hạn. Hàn Vĩnh Nguyên đã giấu cái giễu cợt trong câu chữ khiến cho bài thơ trở nên thật bồng bềnh.

Những bài thơ tình chúng ta đọc hôm nay trên Văn Nghệ Hàm Luông số 56.2017 phần lớn là những kiểu thơ quen thuộc, trừ một chút hơi hướm mới trong “Mùi thiếu vắng”. Nhưng tất cả đã tạo nên nhiều cung bậc khác nhau của những biểu hiện tình cảm trong các bài thơ tình từ những nhà thơ không chuyên đến những nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp. Chúng ta đã có một vười hoa, đó là điều quan trọng.

Trong một cách nhìn nào đó, chúng ta cũng cần có những kiểu thơ kiểu mới. (Tôi không dùng từ thơ mới dễ gây nhầm lẫn).  Cái mới đã xuất hiện trong thơ Việt Nam hiện đại và đương đại, mở ra một lối khác cho cái hôm nay của thơ. Trang thơ của chúng ta, tôi nghĩ, có khi cũng cần những cái như thế.

ĐÀO NGỌC CHƯƠNG